Chuyên mục 3 phút cùng luật sư giải đáp cho bạn đọc về thắc mắc: “Cho người yêu mượn tiền, sau khi chia tay liệu có đòi tiền lại theo quy định pháp luật được không?”
Luật sư Phan Vũ Tuấn đến từ Văn phòng Luật Phan Law Vietnam (trái) sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc lần này.
Xem thêm:
Vì sao không công bố danh tính người bán dâm?
Không cứu người gặp nạn còn livestream câu view có thể nhận mấy năm tù?
Giải quyết tranh chấp vật nuôi
Vấn đề cần giải đáp của bạn đọc
“Chào chương trình 3 phút luật sư, em bị người yêu cũ lừa tiền, mong chương trình giúp em ạ. Chuyện là em có quen 1 cô gái nhỏ hơn 5 tuổi (trên 18 tuổi). Trong thời gian quen nhau cô ta dụ dỗ em cho tiền xài, mỗi lần 5 triệu, 10 triệu, em cho cô ta khoảng 8-9 lần. Gần đây cô ta nói bố bị bệnh cần tiền mổ gấp nên mượn của em 500 triệu. Em tin yêu và cho cô ta mượn mà không có giấy tờ gì cả (nhưng em có tin nhắn chứng minh). Giờ cô ta trở mặt, không trả tiền cho em, nói là yêu đương thì chu cấp và tiền đó giờ là của cô ta. Chương trình cho em hỏi là em có lấy lại số tiền đã cho mượn không ạ? Nếu có thể lấy được tiền em đã cho cô ta trước đó thì càng tốt vì em bị lừa mới cho tiền ạ!
Em cám ơn chương trình”.
Câu trả lời của luật sư Phan Vũ Tuấn
Vì không có hồ sơ cụ thể nên trong trường hợp này tôi không thể đưa ra những quy định cụ thể của pháp luật mà sẽ trả lời một cách khái quát để bạn đọc nắm được.
Trước tiên, tôi tạm thời định nghĩa những điều trong bức thư là sự thật khách quan để trả lời cho câu hỏi của bạn K rằng “cho bạn gái mượn 500 triệu thì sau khi chia tay có đòi lại được không?”
Để giải quyết trường hợp này, cần phải xem xét kỹ lưỡng việc bố của cô gái trong câu chuyện bị bệnh là có thật không và số tiền 500 triệu đã được sử dụng vào mục đích gì.
Trong xã hội, câu chuyện này có thể sẽ được nhìn ở nhìn góc độ khác nhau nhưng trong pháp luật, cần loại bỏ hết tất cả những yếu tố không liên quan đến pháp lý (như việc 2 người này có yêu nhau thật không). Chúng ta chỉ xét đến việc 2 người này chưa có một mối quan hệ cụ thể và cũng không có sự ràng buộc nào về mặt pháp lý.
Tiếp theo, cần xác định rõ số tiền 500 triệu kia là giao dịch gì giữa bạn K và cô gái. Vì ở đây, K nói rằng đó là tiền cho mượn, nhưng cô gái lại cho rằng đó là tiền chu cấp. Nếu 500 triệu này là tiền mượn thì cô gái phải có hành động trả lại số tiền đó cho K.
Trường hợp 2 bên không làm giao kết về văn bản thì bạn K vẫn có thể đòi lại tiền vì pháp luật dân sự có quy định các giao kết vẫn có thể thực hiện bằng miệng. Nếu có giao kết thực hiện bằng miệng mà 2 bên đã cùng xác lập và bạn K chứng minh được sự thật khách quan (có thể chứng minh bằng tin nhắn) thì giao kết này sẽ có hiệu lực.
Có lấy lại được tiền đã cho người yêu cũ không?
Nhiều người tức giận vì không đòi lại được tiền mà có những hành động trả đũa như: lên mạng bóc phốt, lăng mạ, nói xấu, tung hình ảnh nhạy cảm của đối phương… Đây đều là những hành động không đúng và có thể vi phạm pháp luật.
Lúc này, việc làm đúng pháp luật và nên làm nhất chính là khởi kiện ra tòa. Nếu chứng minh được sự thật khách quan mình đã cho mượn tiền thì có thể lấy lại tiền theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với những số tiền 5 triệu, 10 triệu mà bạn K đề cập đã từng cho bạn gái cũ thì tính chất lại hoàn toàn khác số tiền 500 triệu đã cho mượn.
Không ai có nghĩa vụ chu cấp cho ai (trừ một số trường hợp tòa án bắt buộc) nhưng nếu bạn K đã tự nguyện chu cấp thì bạn sẽ không thể lấy lại được số tiền đó.
Mặc dù biết những cảm xúc của con người không hề đơn giản, có thể nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu, cay cú vì mất quá nhiều. Nhưng chúng ta là những người sống trong xã hội văn minh, đến với nhau một cách văn mình thì nên chia tay một cách văn minh và hành xử tất cả hậu quả một cách văn minh. Hãy để câu chuyện được kết thúc tại tòa và xử lý mọi việc theo pháp luật.
Tác giả: Thư Quỳnh – Nguyễn Quang
Theo báo Dân Trí
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Nguồn: https://dantri.com.vn/ban-doc/cho-nguoi-yeu-muon-tien-sau-chia-tay-co-nho-phap-luat-doi-lai-duoc-khong-20200814133419541.htm