Việc mở rộng quy mô kinh doanh thông qua hình thức nhượng quyền thương mại sẽ giúp tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí và đảm bảo được doanh thu ổn định cho bên chuyển nhượng quyền. Đồng thời, bên được nhận quyền sẽ được bên nhượng quyền chỉ phương thức để kinh doanh và được phép sử dụng thương hiệu của bên nhượng quyền. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về điều kiện của nhượng quyền, về hợp đồng nhượng quyền thương mại và những mô hình phổ biến hiện nay.
Xem thêm:
Các hành vi vi phạm hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế
Yêu cầu đối với hoạt động nhượng quyền thương mại nước ngoài vào Việt Nam
Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại được hiểu ra sao?
Hợp đồng nhượng quyền thương mại được biết tới là sự thoả thuận giữa bên thực hiện việc nhượng quyền và bên sẽ tiến nhận nhượng quyền, điều này làm phát sinh các quyền, các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động về thương mại đã được nhượng quyền, cụ thể là bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận nhượng quyền thương mại tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo một số điều kiện (tham khảo Điều 284 Luật thương mại 2005)
Hợp đồng nhượng quyền thương mại có những đặc điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, về vấn đề chủ thể
Trong hợp đồng sẽ có bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Và đều phải là thương nhân, đó có thể là thương nhân nước Việt Nam hoặc thương nhân của nước ngoài. Theo Điều 6 Luật thương mại 2005, thương nhân sẽ bao gồm các tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp, các cá nhân hoạt động thương mại một cách thường xuyên, độc lập và có thực hiện việc đăng ký kinh doanh
Chủ thể giao kết hợp đồng bắt buộc phải là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của các thương nhân đó.
Thứ hai, về vấn đề đối tượng của hợp đồng
Đối tượng của hợp đồng chính là quyền thương mại. Theo đó:
- Bên nhận quyền tiến hành hoạt động mua bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ theo yêu cầu của bên nhượng quyền
- Bên nhận nhượng quyền được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền nhưng phải sự kiểm soát và nhận trợ giúp của bên nhượng quyền.
Thứ ba, về nội dung của hợp đồng
Nội dung hợp đồng gồm các điều khoản do các bên tiến hành thỏa thuận và thống nhất với nhau, các bên sẽ trao đổi với nhau những quyền mà mình được hưởng và những nghĩa vụ mà mình phải thực hiện. Thông thường sẽ gồm những nội dung sau:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Các quyền, các nghĩa vụ mà bên nhượng quyền, bên nhận quyền sẽ có, sẽ phải thực hiện
- Giá cả và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Nội dung về vấn đề gia hạn hợp đồng, chấm dứt hiệu lực của hợp đồng và hướng giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Thứ tư, về hình thức hợp đồng
Hợp đồng nhượng quyền bắt buộc phải được lập dưới dạng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương như telex… (tham khảo quy định tại Điều 285 Luật thương mại 2005).
Điều kiện nhượng quyền thương mại
Điều kiện để được thực hiện nhượng quyền thương mại là gì?
Theo quy định tại Điều 5, 6 Nghị định 35/2006/NĐ-CP thì để được thực hiện nhượng quyền thương mại thì cần đáp ứng điều kiện sau:
Thứ nhất, về bên nhượng quyền
Bên nhượng quyền phải:
- Hệ thống kinh doanh việc mua bán hàng hóa/cung ứng dịch vụ dự định thực hiện nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm.
- Nếu thương nhân nước Việt Nam là Bên nhận quyền sơ cấp từ Bên nhượng quyền của nước ngoài thì phải thực hiện kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại tối thiểu là 01 năm ở Việt Nam trước khi cấp lại quyền thương mại cho chủ thể khác.
- Đã đăng ký thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại
- Hàng hoá/dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không được vi phạm quy định pháp luật
Thứ hai, về bên nhận quyền
Bên nhận quyền phải:
- Phải là thương nhân
- Có đăng ký thực hiện kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng quyền thương mại.
Hình thức nhượng quyền thương mại gồm loại nào?
Các hình thức thực hiện nhượng quyền thương mại phổ biến hiện nay có thể kể đến gồm:
Thứ nhất, nhượng quyền theo khu vực lãnh thổ
- Nhượng quyền trong nước: Thường là giữa các công ty/doanh nghiệp Việt Nam lớn với các công ty/doanh nghiệp Việt Nam vừa mới được thành lập.
- Nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam: Đây là hình thức bên nhượng quyền là chủ thương hiệu nước ngoài sẽ tiến hành việc đầu tư vào Việt Nam, như: KFC,…
- Nhượng quyền trong lãnh thổ Việt Nam ra nước ngoài: Các thương hiệu nổi tiếng trong nước (ở Việt Nam) sẽ thực hiện việc nhượng quyền ra các nước, như: cà phê Trung Nguyên,…
Thứ hai, nhượng quyền căn cứ theo tiêu chí kinh doanh
- Nhượng quyền phân phối theo sản phẩm: Bên nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận quyền phân phối các sản phẩm/dịch vụ của họ trong một phạm vi và theo một khoảng thời gian nhất định. Bên nhận quyền chỉ được phép sử dụng các biểu tượng, nhãn hiệu, khẩu hiệu,… trong các hoạt động kinh doanh, quảng bá.
- Nhượng quyền sử dụng công thức kinh doanh: Bên nhận nhượng quyền không chỉ được quyền phân phối các sản phẩm/dịch vụ của bên nhượng quyền mà còn được họ chuyển giao cho kỹ thuật kinh doanh, cách điều hành công ty,….
Thứ ba, nhượng quyền theo mục tiêu phát triển kinh doanh
- Franchise độc quyền: Bên nhượng quyền sẽ chỉ định một số đối tác nhất định tại đất nước/quốc gia mà họ muốn đầu tư/muốn mở rộng kinh doanh để làm đối tác và thực hiện phân phối các sản phẩm/dịch vụ của họ. Khi đó, bên nhận quyền sẽ chi một khoản phí nhượng quyền ban đầu cho bên chuyển nhượng. Sau đó, bên nhận quyền sẽ được chủ động mở thêm các cửa hàng hoặc thực hiện việc bán lại cho chủ thể khác trong phạm vi khu vực họ kiểm soát.
- Franchise vùng: Bên nhận quyền sẽ thực hiện việc bán lại cho các chủ thể nhỏ lẻ khác trong vùng kèm theo đó là các điều kiện đã được thỏa thuận với bên nhượng quyền.
Trên đây là những tư vấn về hợp đồng nhượng quyền thương mại hiện nay. Nếu quý khách muốn được giải đáp thắc mắc hay tư vấn, vui lòng liên hệ qua website https://phan.vn hoặc theo địa chỉ dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư