Ly hôn ở đâu mới đúng?
Nhiều người chưa biết ly hôn ở đâu, hay chính xác hơn, là chưa biết nộp đơn ly hôn ở đâu. Căn cứ theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp vợ, chồng ly hôn ở Việt Nam, thì nộp đơn ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Tòa án nhân dân có thẩm quyền tức là Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc. Trường hợp vợ, chồng đều ở Việt Nam, không cần ủy thác tư pháp ra nước ngoài, hoặc ly hôn giữa vợ, chồng mà một bên là công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với một bên là công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng cư trú, làm việc.
Trường hợp còn lại, vợ hoặc chồng ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp ra nước ngoài, thì vợ, chồng nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi vợ hoặc chồng cư trú, làm việc.
Ly hôn ở nước ngoài được không?
Vợ, chồng có thể nộp đơn ly hôn ở nước ngoài. Trường hợp Tòa án nước ngoài đã thụ lý và đã giải quyết việc ly hôn bằng một bản án hoặc một quyết định có hiệu lực, thì vợ, chồng có thể làm thủ tục cho công nhận bản án, quyết định ly hôn đó tại Việt Nam.
Lúc này, Tòa án Việt Nam sẽ xem xét và quyết định có công nhận và cho thi hành bản án, quyết định đó hay không. Thủ tục cụ thể được tiến hành như sau:
Bước 1, người có yêu cầu sẽ nộp hồ sơ yêu cầu công nhận và thi hành bản án, quyết định nước ngoài tại Việt Nam cho Bộ Tư pháp. Theo đó, đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.
Bước 2, khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp gửi hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền xử lý. Tòa án có quyền lập hội đồng, mở phiên họp xét đơn yêu cầu, dẫn đến hai khả năng: (1) Ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; hoặc (2) Ra quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
Bước 3, người có yêu cầu có quyền kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị.
Hồ sơ ly hôn sẽ gồm có những gì?
Nhìn chung, hồ sơ ly hôn theo quy định pháp luật Việt Nam sẽ bao gồm:
- Đơn ly hôn theo mẫu quy định sẵn;
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của vợ, chồng (bản sao chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao chứng thực);
- Giấy từ chứng minh khác liên quan tranh chấp ly hôn (nếu có), ví dụ: kết quả giám định thương tật trong trường hợp chứng minh có hành vi bạo lực gia đình của chồng hoặc vợ dẫn đến không thể tiếp tục chung sống vợ chồng, mục đích hôn nhân không đạt được, cần phải ly hôn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hồ sơ ly hôn có thể khác nhau ở từng quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ, Quý Khách hàng có nhu cầu phải tra cứu chi tiết hoặc nhờ sự hỗ trợ của luật sư, chuyên viên pháp lý ở địa phương để được hướng dẫn theo đúng quy định pháp luật.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư