Có những rắc rối trong cuộc sống mà chúng ta không lường trước được, vì thế, rất nhiều trường hợp người lao động xin tạm ứng tiền lương để có trang trải cuộc sống. Vậy pháp luật quy định như thế nào về điều này?
Quy định về tiền lương và xin tạm ứng tiền lương
Theo như quy định, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động. Và tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Bên cạnh đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 100 Bộ luật Lao động 2012, quy định về việc xin tạm ứng tiền lương như sau: “Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận.” Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 100 Bộ luật Lao động còn đề cập đến: “Người sử dụng lao động phải tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng lương và phải hoàn lại số tiền đã tạm ứng trừ trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự.” Như vậy, ta có thể hiểu được rằng, người lao động muốn được xin tạm ứng tiền lương thì chỉ cần thỏa thuận với người sử dụng lao động sao cho phù hợp với điều kiện của các bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được, người lao động chỉ có thể tạm ứng tiền lương khi thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên. Mức tiền lương phải căn cứ vào số ngày thực thế người lao động nghỉ việc nhưng không quá 1 tháng lương. Trường hợp này chỉ được tạm ứng khi người lao động thực hiện nghĩa vụ công dân, còn trong thời gian người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương bởi vì thời gian kéo dài và người lao động đã được đảm bảo các chế độ từ ngân sách nhà nước.
Tạm đình chỉ công việc vẫn được tạm ứng lương
Trong trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật, vụ việc có những tình tiết phát triển phức tạp, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động. Trong trường hợp này, thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Tại Điều 129 Bộ luật Lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật thì không phải trả lại số tiền lương tạm ứng đó. Trường hợp ngược lại, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc. Như vậy, pháp luật có quy định rõ ràng về vấn đề này. Nếu người lao động muốn được tạm ứng tiền lương trong trường hợp khẩn cấp thì phải thông báo rõ ràng cho người sử dụng lao động để hai bên cùng thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì người lao động phải thuộc một trong hai trường hợp tạm nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân hoặc bị tạm đình chỉ công việc.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.88888
Email: info@phan.vn