Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Cạnh nhà tôi có một gia đình 5 người trong đó là 2 vợ chồng, 2 đứa con và 1 mẹ già ngoài 70 tuổi, tôi thường xuyên nghe thấy tiếng mắng chửi của hai vợ chồng đó đối với bà mẹ, có hôm nhà đó đi vắng tôi đi ngang qua thấy mình bà mẹ ngồi ngoài hiên, cửa thì khóa bà ấy không vào nhà được cũng không có gì ăn hỏi ra mới biết họ thường xuyên đối với bà ấy như vậy. Vậy đối với những hành vi đó có bị coi là ngược đãi cha mẹ hay không? hành vi đó có bị xử lý hình sự hay không?
Tôi xin cảm ơn.
Xem thêm:
>> Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong có thể bị khởi tố hình sự về tội gì?
>> Mức xử lý khi cha mẹ bạo hành tinh thần con cái
>> Hành vi bạo lực trẻ em dưới 16 tuổi bị xử lý như thế nào theo pháp luật?
Hành vi ngược đãi cha mẹ có bị xử lý hình sự không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Quy định về nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ
Theo Điều 70, 71 Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định rõ về nghĩa vụ của con cái đối với cha, mẹ cụ thể như sau:
- Con cái có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình;
- Nghĩa vụ tham gia sản xuất, tạo thu nhập, đóng góp nhằm đảm bảo đời sống chung của gia đình theo khả năng của mình;
- Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.
Hành vi ngược đãi cha mẹ có bị xử lý hình sự không?
Theo quy định của pháp luật thì hành vi ngược đãi được hiểu là hành vi không kính trọng, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ như: đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: xỉ vả, mắng chửi, cố tình bỏ đói, bắt chịu rét, mặc rách, mặc dù có điều kiện. Có hành vi bạo lực như đánh đập, giam hãm… làm cho người bị hại đau đớn về thể xác và tinh thần.
Tùy vào tính chất, mức độ khác nhau của từng hành vi ngược đãi đối với cha mẹ mà người có hành vi sẽ phải chịu mức xử lý phù hợp là phạt hành chính (phạt tiền) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù), cụ thể như sau:
Xử phạt hành chính đối với hành vi ngược đãi cha mẹ
Người có hành vi ngược đãi cha mẹ mình thì ở mức bị xử phạt hành chính thì mức phạt được cụ thể hóa trong Điều 52 và Điều 53, Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
“Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;
b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.”
“Điều 53. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy theo quy định trên, đối với những hành vi bạn nêu sau khi chứng minh là thật thì người có hành vi ngược đãi mẹ thì có thể bị phạt hành chính lên đến 20 triệu đồng.
>>> Hành vi bạo lực gia đình khi nào thì bị xử lý hình sự theo luật?
Trách nhiệm hình sự khi ngược đãi cha mẹ
Hành vi ngược đãi cha mẹ bên cạnh bị xử phạt hành chính, những người con bất hiếu còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:
– Tội hành hạ người khác Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
– Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015,sửa đổi, bổ sung 2017) với khung hình phạt cao nhất là 02 năm tù giam.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành ngược đãi cha mẹ theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 –Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư