Thưởng Tết theo chính sách của doanh nghiệp
Lương thưởng ngày Tết không chỉ thể hiện tài lực, khả năng kinh tế của một doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành và tri ân của doanh nghiệp đối với sự cống hiến của người lao động trong suốt một năm qua.
Chính vì vậy, không chỉ doanh nghiệp trăn trở mà người lao động cũng mong ngóng.
Thực tế thưởng Tết (hay còn được gọi là lương tháng 13) không phải có một chế độ bắt buộc người sử dụng lao động, doanh nghiệp, công ty phải thực hiện, mà chỉ là một quy định tùy nghi, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động.
Do đó, trên thực tế, việc thưởng ngày Tết sẽ tùy theo chính sách đãi ngộ, điều kiện kinh tế của doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sử dụng lao động, không có chế tài xử lý khi không thực hiện.
Mức thưởng Tết cũng tùy khả năng doanh nghiệp, không có thống nhất.
Điều 104. Thưởng
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Bộ luật Lao động 2019.
Tình hình thưởng Tết của doanh nghiệp trên cả nước
Năm nay, do tình hình kinh doanh không được khởi sắc, nhiều doanh nghiệp chật vật vấn đề lương thưởng. Tuy nhiên nhìn chung, theo báo cáo nhanh gửi về Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp trên cả nước vẫn cố gắng, khéo co để lo Tết ấm cho nhân viên.
Ở Hà Nội, một doanh nghiệp FDI tại Hà Nội dự kiến thưởng Tết Nguyên Đán 2024 450 triệu đồng, nhỉnh hơn mức thưởng Tết cao nhất của năm ngoái. Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất đang được ghi nhận tại Hà Nội là 500 nghìn đồng.
Được dự kiến là địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP đứng đầu cả nước, mức thưởng Tết nguyên đán cao nhất của Bắc Giang theo ghi nhận ở thời điểm hiện tại đang là 146 triệu đồng.
Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo, mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 bình quân hơn 12,3 triệu đồng/người, giảm nhẹ so với 2023 (12,8 triệu đồng). Tiền thưởng Tết cao nhất rơi vào nhóm nhân sự điều hành ở các doanh nghiệp ngành điện tử – công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại.
Trong đó, trên 46% doanh nghiệp TPHCM được khảo sát cho biết, ngoài tiền thưởng Tết còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê hoặc hỗ trợ tiền tàu xe, tặng vé xe. Nhiều doanh nghiệp còn có kế hoạch tổ chức tất niên, thăm hỏi, động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hoặc tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê.
Bên cạnh đó, có 448 doanh nghiệp, chiếm hơn 34% doanh nghiệp TP.HCM lại cho biết đang gặp khó trong việc thưởng Tết cho người lao động bởi tình hình sản xuất kinh doanh chưa khởi sắc, đơn hàng giảm khiến doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động.
Ở Bình Dương, do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng nên nhiều nhà máy phải cắt giảm lao động. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân năm 2024 tại Bình Dương là 6,8 triệu đồng (mức bình quân năm trước khoảng 7,2 triệu đồng). Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết năm nay là năm mà các doanh nghiệp và người lao động có nhiều khó khăn nên các hoạt động của công đoàn chăm lo dịp Tết cũng sẽ tập trung hơn.
Trong bối cảnh đó, một doanh nghiệp FDI tại Long An thậm chí đang có mức thưởng cao nhất nước là 5,68 tỉ đồng.
Một số ngành kinh tế đương đầu chuyện thưởng Tết
Có một thực tế cần được nhìn nhận đó là có một số ngành kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong suốt khoảng thời gian, điển hình như hàng không và bất động sản. Việc các doanh nghiệp các ngành này vẫn duy trì hoạt động kinh doanh, không để người lao động phải nghỉ việc, giữ được thu nhập cho người lao động tương đương năm ngoái, đã là một sự nỗ lực rất lớn.
Trong ngành hàng không, câu chuyện nợ lương, giảm lương trở thành nỗi ám ảnh do tài chính doanh nghiệp không được đảm bảo. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu, cắt giảm nhân sự cũng không phải là điều dễ thực hiện.
Có hãng đang dư nhiều nhân sự, trong đó phi công dư cả trăm người, tiếp viên dư 500 người, phải đề nghị các hãng hàng không khác giúp giải quyết lao động dôi dư.
Nếu giữ toàn bộ người lao động, trong bối cảnh việc làm không có, bộ máy cồng kềnh, sức khỏe doanh nghiệp sẽ thêm suy kiệt. Tuy nhiên, nếu cắt giảm nhân sự, chọn ai, giữ lại ai cũng là bài toán hết sức khó xử.
Trong ngành bất động sản, thưởng Tết năm nay là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Tỉ lệ thưởng Tết ở mức khá vẫn có nhưng không phổ biến.
Vấn đề khó khăn là dòng tiền, dự án mới ách tắc, chờ tháo gỡ, dự án hiện hữu lại khó bán, vốn không còn, vay mượn khó khăn.
Tuy nhiên, trong khi nhiều doanh nghiệp có kế hoạch ngừng kinh doanh trước Tết âm lịch, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách giữ chân người lao động, chủ động linh hoạt ứng phó bằng cách thưởng cổ phiếu, bán cổ phiếu 0 đồng. Âu đó cũng là khéo co để Tết ấm.
Theo dõi Phan Law Vietnam để đọc những bài viết hay về Tết Nguyên đán 2024 nhé!
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư