Bộ luật tố tụng dân sự là một trong những bộ luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự để bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự nhanh chóng, đúng đắn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích của nhà nước. Cùng tìm hiểu về Bộ luật tố tụng dân sự trong bài viết sau đây.
Tìm hiểu về Bộ luật tố tụng dân sự
Trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về thủ tục để giải quyết những tranh chấp phát sinh như: Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (năm 1989); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Toà án nước ngoài (năm 1993); Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án kinh tế (năm 1994); Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài (năm 1995) và Pháp lệnh thủ tục giải quyết tranh chấp lao động (năm 1996).
Các pháp lệnh này đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra trình tự, thủ tục chặt chẽ để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, các pháp lệnh này cũng bộc lộ nhiều hạn chế: nội dung chưa đầy đủ, mới chỉ quy định về một số nguyên tắc cơ bản. Nhiều quy định không còn phù hợp, thậm chí còn mâu thuẫn với pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và có nhiều nội dung quan trọng chưa được quy định.
Bộ luật tố tụng dân sự được xây dựng nhằm pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung những thiếu sót về nguyên tắc và cơ chế giải quyết trong tố tụng dân sự, kinh tế, lao động, khắc phục sự tắn mạn, trùng lặp, thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật; đồng thời, thể chế hoá quan điểm và chủ trương của Đảng.
Sau một thời gian dài chuẩn bị công phu, dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự đã được hoàn thiện và trình Quốc hội Khoá XI cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (11/2003).
Ngày 15/6/2004, Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ năm, bao gồm:
- Quy định về những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu giải quyết các vụ án dân sự, các việc dân sự (bao gồm các vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động);
- Trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc tại Toà án; thi hành án dân sự;
- Quy định về người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như quyền và nghĩa vụ của những người này;
- Thủ tục giải quyết một số loại việc dân sự có tính chất đặc thù;
- Xử lý đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng và khiếu nại, tố cáo;
- Thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài và tương trợ tư pháp trong tố tụng dân sự.
Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự là gì?
Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự Việt Nam bao gồm nhiều loại là các quan hệ giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án, đương sự, người đại diện của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể khác như người làm chứng, người giám định, người phiên dịch… nảy sinh trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, cụ thể:
- Quan hệ giữa giữa Tòa án, Viện kiểm sát; Cơ quan thi hành án với đương sự, người đại diện của đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và các chủ thể khác có liên quan;
- Quan hệ giữa giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án với nhau;
- Quan hệ giữa đương sự với các chủ thể khác có liên quan.
Các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật tố tụng dân sự không có sự bình đẳng giữa các chủ thể; trong đó Tòa án; Cơ quan thi hành án là các chủ thể có vai trò quyết định đối với việc giải quyết vụ việc dân sự.
Trong đó:
- Vụ việc dân sự là vụ việc phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động do Tòa án giải quyết. Vụ việc dân sự chia làm hai loại: vụ án dân sự và việc dân sự.
- Vụ án dân sự là việc có sự tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự mà họ thông thể thương lượng được nên nhờ Tòa án giải quyết.
- Việc dân sự là loại vụ việc dân sự mà sự phát sinh, chấm dứt, thay đổi các quan hệ pháp luật phải do Tòa án xem xét quyết định như: Tòa án xem xét yêu cầu tuyên bố một người là mất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư