Bí mật kinh doanh là tài sản trí tuệ quan trọng, đóng vai trò then chốt trong sự thành công của doanh nghiệp. Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và năng lực cạnh tranh. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về việc xử phạt hành vi này? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các hình thức xử phạt đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh.
Bí mật kinh doanh là gì?
Bí mật kinh doanh, theo định nghĩa tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009, là một loại tài sản trí tuệ quan trọng, bao gồm thông tin thu được từ đầu tư tài chính và trí tuệ, chưa được công khai và có giá trị sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Hiểu một cách đơn giản, đây là những thông tin cốt lõi, độc quyền của doanh nghiệp, mang tính quyết định đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh.
Bí mật kinh doanh thường bao gồm các thông tin nhạy cảm về hoạt động sản xuất, kinh doanh, như giá cả, danh sách khách hàng, nguồn cung ứng, kỹ thuật sản xuất hoặc công thức pha chế, giúp doanh nghiệp tạo lợi thế kinh tế trên thị trường.
Để được bảo hộ, bí mật kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Không phải là kiến thức phổ thông, không dễ dàng tiếp cận.
- Mang lại lợi thế cạnh tranh cho người nắm giữ.
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết.


Tuy nhiên, có một số loại thông tin không được bảo hộ dưới danh nghĩa bí mật kinh doanh, bao gồm:
- Bí mật về nhân thân.
- Bí mật về quản lý nhà nước.
- Bí mật về quốc phòng, an ninh.
- Các bí mật khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thế nào là hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh?
Căn cứ theo Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2022, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
- Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;
- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền;
- Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi (1), (2), (3), (4);
- Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật dữ liệu thử nghiệm
Xâm phạm bí mật kinh doanh bị xử phạt như thế nào?
Hình thức xử phạt đối với hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được quy định tại Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP như sau:
Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Theo đó, người có hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 200.000.000 đồng – 300.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là:
– Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
– Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức, đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền của tổ chức.


Xem thêm: Hướng dẫn đăng ký bảo hộ bí mật kinh doanh tại Việt Nam?
Xâm phạm bí mật kinh doanh có được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh không?
Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh được quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm
1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
…
Theo đó, hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm:
(1) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
(2) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến Quý Khách hàng. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác Quý Khách hàng vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để được giải đáp.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888
Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư