Quyền sở hữu trí tuệ tuy là loại tài sản vô hình nhưng mang lại các giá trị kinh tế vô cùng to lớn. Trong suốt quá trình hoạt động phát triển kinh doanh, làm thế nào để bảo vệ, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn là câu hỏi chung của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu thêm các quy định pháp lý về vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây.
Xem thêm:
>> Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu
>> Các vụ án xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi bật nhất tại Việt Nam
>> Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có yếu tố xâm phạm đến các đối tượng thuộc phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Các hành vi này đều sẽ bị xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo tính chất, mức độ mà có biện pháp, hình phạt phù hợp.
Xác định thiệt hại từ hành vi xâm phạm
Để định mức xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần phải xác định được thiệt hại thực tế về vật chất, về tinh thần gây ra từ hành vi này. Khi xác định thiệt hại, cần tiến hành theo các nguyên tắc đã được hướng dẫn tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ xác định thiệt hại
Căn cứ để xác định thiệt hại được hướng dẫn tại Điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ.
- Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại;
- Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích về vật chất, tinh thần khi không bị xâm hại
- Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó.
Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả trưng cầu giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức thiệt hại.
Các thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với chủ sở hữu quyền
Tổn thất về tài sản
Tổn thất về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Giá trị quy đổi xác định theo các căn cứ:
- Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
- Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền sở hữu trí tuệ;
- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;
- Giá trị đầu tư cho việc tạo ra và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các chi phí tiếp thị, nghiên cứu, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.
Xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp. Hiện tại có ba biện pháp xử lý chính đối với loại xâm phạm này.
Biện pháp hành chính
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị áp dụng biện pháp hành chính, ngoài việc bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền.
tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả
Biện pháp dân sự
Theo hướng dẫn tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
“1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự.
4. Buộc bồi thường thiệt hại.
5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.”
Biện pháp hình sự
“Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.” – Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ.
Như vậy trường hợp nếu thấy hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đó là nguy hiểm cho xã hội, thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, tiến hành điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Tùy thuộc vào mục đích, quy mô, hậu quả của từng hành vi mà sẽ có các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Chi tiết hơn về quy trình thực hiện các biện pháp này trên thực tế, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của luật sư giàu kinh nghiệm của Phan Law Vietnam thông qua các phương thức liên hệ trao đổi dưới đây.
Liên hệ: Phan Law Vietnam
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Tổng Đài Tư Vấn Hôn Nhân Gia Đình: 1900.599.995