Sự việc bệnh nhân tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối điều trị đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nếu xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xem thêm:
>> 05 vạn khách hành hương đến chùa Tam Chúc khi dịch Covid-19 vừa lắng xuống
>> Hai phụ nữ bị điều tra hành vi tung tin giả về dịch Covid lên mạng xã hội
>> Việt Nam ghi nhận ca tử vong đầu tiên sau khi tiêm vacxin ngừa Covid-19
Người bệnh tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối điều trị
Ngày 14-8, gia đình ông N.D. (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã tổ chức đám tang cho ông sau khi ông tử vong vì bị tai biến tại nhà trọ ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Gia đình ông D., bên cạnh sự đau buồn vì mất người thân, còn uất ức vì ông D. qua đời sau khi bị các cơ sở y tế từ chối điều trị.
Chị Ngô Phượng, con gái của ông D., kể lại: khoảng 20h tối 13-8, ông D. bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được. Tình thế cấp bách, gia đình được hàng xóm dùng xe tải để chở ông D. đi cấp cứu.
Tuy nhiên, khi tới cơ sở y tế đầu tiên là Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, nơi đây không nhận vì đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại địa điểm thứ hai là Phòng khám Ngọc Hồng, ông D. được đưa vào phòng khám. Ông D. và người đi cùng được test nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ tại phòng khám này cho biết tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị cho ông D. chuyển viện lên tuyến trên.
Đến khoảng gần 1h sáng 14/8, khi không nơi nào chịu nhận, mọi người đành phải đưa ông D. về phòng trọ. Đến 4h cùng ngày, ông D. trút hơi thở cuối cùng.
Sáng 17/8/2021, tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Tham dự và chủ trì có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương.
Bình Dương họp báo về vụ việc bệnh nhân tử vong sau khi bị từ chối điều trị
Có thể xử lý hình sự đối với trường hợp từ chối điều trị bệnh nhân
Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết cơ quan chức năng đang xác định vụ việc bệnh nhân tử vong do bị các cơ sở y tế từ chối có dấu hiệu hình sự hay không.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Hành vi từ chối cứu chữa khiến ông N.D bị tử vong thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, người thực hiện hành vi phạm phải có hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó tử vong.
Hành vi phạm tội được thể hiện dưới hai trạng thái, hành động và không hành động. Dấu hiệu hành vi đặc trưng của tội này được thực hiện bằng hành vi (không hành động) không cứu giúp người khác đang ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, dẫn đến cái chết của nạn nhân bị chết.
Ngoài ra, để cấu thành tội danh này hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.
Đối chiếu các dấu hiệu này, trong vụ việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật, từ chối không cứu chữa dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, thỏa mãn tội danh quy định tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù giam.
Hiện nay, vụ việc tử vong sau khi bị từ chối điều trị vẫn đang được điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế. Chúng tôi sẽ cập nhật ngay khi có các tin tức tiếp theo.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư