Nhãn hiệu là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ, gắn bó trong nhiều hoạt động và đại diện cho cho hình ảnh của một công ty. Cũng chính vì thế mà những hành vi xâm phạm nhãn hiệu diễn ra một cách tràn lan. Những hành vi này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Tuy nhiên không phải công ty nào cũng biết cách nhận diện cũng như nên làm gì khi nhãn hiệu của công ty bị xâm phạm?
Hành vi xâm phạm nhãn hiệu là gì?
Theo quy định tại khoản 16 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) thì nhãn hiệu được hiểu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Trên cơ sở này, mỗi doanh nghiệp hay mỗi công ty đều sẽ xây dựng cho riêng mình một nhãn hiệu nhằm tối đa hoá sự nhận diện của khách hàng đối với hàng hoá, dịch vụ của mình. Việc sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu ở đây là công ty trong một số trường hợp sẽ bị xem là xâm phạm. Cụ thể, khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019) có quy định như sau:
“ Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mụcđăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mụchàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng”.
Làm gì khi nhãn hiệu của công ty bị xâm phạm?
Đối với chủ sở hữu nói chung và công ty nói riêng, khi phát hiện có tổ chức hoặc cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu của mình một cách phi pháp hay một nhãn hiệu tương tự như nhãn hiệu của mình thì chủ sở hữu cần có giải pháp để giải quyết kịp thời. Có nhiều cách khác nhau để công ty bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu. Tuỳ theo từng trường hợp mà chủ sở hữu nhãn hiệu có thể lựa chọn một trong các cách làm sau:
Áp dụng biện pháp công nghệ
Với cách thức này, chủ sở hữu được phép đưa ra các thông tin liên quan đến nhãn hiệu mà mình có quyền được hiện diện trên các phương tiện dịch vụ. Cách thức này nhằm thông báo rằng, nhãn hiệu đang là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ của công ty mình và đang được bảo hộ. Đồng thời khuyến cáo các chủ thể khác chấm dứt hành vi xâm phạm cũng như giúp người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm chính hãng.
Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm
Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu được phép thực thi quyền của mình thông qua việc gửi thông báo bằng văn bản đến chủ thể đang có dấu hiệu xâm phạm. Trong văn bản cần thể hiện đầy đủ các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, văn bằng, phạm vi, thời hạn bảo hộ. Đặc biệt cần có nội dung ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi của mình.
Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý
Đây là cách thức mà công ty sẽ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với những tổ chức, cá nhân đang xâm phạm nhãn hiệu của mình. Khi thực hiện cách này, chủ sở hữu sẽ phải có đơn yêu cầu và phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh kèm theo.
Khởi kiện
Khởi kiện là biện pháp được xem là mang tính chất khắc khe nhất đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu mà công ty mình đang được bảo hộ hợp pháp. Đây đồng thời là phương án giải quyết gần như mang tính quyết định để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình trước sự xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu sẽ tiến hành nộp đơn và các tài liệu, chứng cứ chứng minh về hành vi vi phạm đến tòa án hoặc trọng tài để được giải quyết triệt để vấn đề này.
Trên đây là những thông tin mà Phan Law Vietnam chia sẻ đến bạn khi không biết nên làm gì khi nhãn hiệu của công ty bị xâm phạm. Để hiểu chi tiết hơn về từng cách thức, bạn có thể liên hệ trực tiếp về thông tin dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 1900.599.995 – 0794.80.8888
Email: info@phan.vn