Kính gửi Văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Tôi chuẩn bị nghỉ thai sản, nhưng hiện tại thì vẫn chưa hiểu rõ lắm về việc trong thời gian tôi nghỉ sinh con thì có được tính phép năm như bình thường hay không? Nếu chồng tôi nghỉ chăm tôi sinh thì có bị trừ vào ngày phép năm hay không?
Xin chân thành cảm ơn.
Xem thêm:
>> Nghỉ sinh con có cần báo trước với công ty hay không?
>> Thời gian nghỉ thai sản là bao lâu? Có được đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản hay không?
>> Nghỉ thai sản thì có phải tiếp tục đóng BHXH không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Nghỉ thai sản.
Nghỉ thai sản thì có được tính phép năm nữa không?
Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nghỉ phép hằng năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động tương ứng như sau:
- Được nghỉ phép 12 ngày làm việc/năm đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- Được nghỉ phép 14 ngày làm việc/năm đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Được nghỉ phép 16 ngày làm việc/năm đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Ngoài ra, đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm được hướng dẫn tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP gồm:
- Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.
- Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương.
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.
- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, thời gian làm việc cho người lao động là cơ sở để xác định chính xác số ngày nghỉ hằng năm cho người lao động bao gồm cả thời gian nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản.
Theo Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Còn nghỉ phép hằng năm cũng là một trong những chế độ của người lao động nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người lao động. Người lao động khi đáp ứng được điều kiện về thời gian làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên thì được hưởng chế độ nghỉ phép hằng năm. Có thể hiểu, đối với những trường hợp nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vẫn được tính là thời gian làm việc cho người sử dụng lao động và là cơ sở để tính ngày nghỉ phép hằng năm cho người lao động.
Theo quy định trên, bạn nghỉ thai sản vẫn được tính phép năm, thời gian bạn nghỉ thai sản là 6 tháng và mỗi tháng bạn có thêm 01 ngày phép năm.
Nghỉ thai sản thì có được tính phép năm nữa không?
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của chồng có bị trừ vào phép năm không?
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc nếu vợ sinh thường
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 113 Bộ Luật lao động 2019 có quy định về nghỉ phép năm thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho cùng một đơn vị thì được nghỉ hằng năm. Số ngày nghỉ cụ thể được xác định dựa trên tính chất công việc mà người lao động thực hiện. Còn ngày nghỉ của lao động nam để chăm sóc vợ sinh con thuộc chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, ngày nghỉ phép năm lại theo quy định của Bộ Luật lao động. Hai chế độ này là tách biệt nhau và những ngày nghỉ để chăm sóc vợ sinh con sẽ không bị trừ vào số ngày nghỉ phép năm của bạn.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam xin được thông tin đến quý khách. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư