Kính gửi văn phòng luật Phan Law Vietnam, tôi có một vấn đề mong nhận được giải đáp từ Quý công ty như sau:
Tôi khá quan tâm đến các vụ án hình sự và thường xuyên theo dõi tin tức của những vụ án loại này. Qua tìm hiểu tôi được biết trong suốt một quá trình tố tụng vụ án hình sự, các cơ quan thực hiện tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội với bị can, bị cáo. Tôi vẫn chưa hiểu rõ nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật hình sự là gì? Mong các luật sư có thể giải thích giúp.
Xin chân thành cảm ơn!
Xem thêm:
>> Tìm hiểu về án lệ Miranda và quyền im lặng trong pháp luật hình sự Việt Nam
>> Xúi giục người khác trộm cắp thì có được xem là đồng phạm hay không?
>> Thấy người bị nạn không cứu, có vi phạm pháp luật hay không?
Tìm hiểu về nguyên tắc suy đoán vô tội trong thủ tục tố tụng hình sự
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng để chia sẻ thắc mắc của mình đến Phan Law Vietnam. Đối với trường hợp mà bạn đang gặp phải, chúng tôi xin phép được giải đáp thắc mắc và tư vấn dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành như sau:
Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật Hình sự
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định rõ về những nguyên tắc cơ bản khi thực hiện trình tự tố tụng hình sự. Trong đó, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật này như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
Người bị buộc tội ở đây bao gồm: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Có thể thấy, thông qua quy định trên, nguyên tắc suy đoán vô tội được xây dựng trên 03 cốt lõi:
Thứ nhất, cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm
Thứ hai, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, việc xác định cần dựa vào những sự kiện có thật liên quan
Thứ ba, Tòa án không được phép suy diễn theo hướng không tốt cho người bị buộc tội mà phải hoàn toàn dựa trên các chứng cứ được trình bày.
Ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội
Nguyên tắc suy đoán vô tội là quy tắc hiến định, nguyên tắc này tại Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015 để cụ thể hóa từ khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
Bảo vệ sự công bằng cho các chủ thể tham gia tố tụng
Đây là nguyên tắc đóng vai trò cũng như ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình tố tụng Hình sự. Thông qua nguyên tắc này pháp luật đảm bảo sự công bằng giữa cơ quan quyền lực nhà nước đối với bên yếu thế hơn – người bị buộc tội. Khẳng định một lần nữa việc tôn trọng quyền con người, quyền bình đẳng giữa mọi công dân; phát triển đúng với tôn chỉ của lĩnh vực tố tụng hình sự.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng trong những điều luật khác nhau tạo thành chuỗi hệ thống thống nhất. Bắt buộc phía tiến hành tố tụng tuân thủ tuyệt đối trình tự tố tụng, tìm bằng chứng vô tội song song với bằng chứng buộc tội. Đây chính là lá chắn pháp lý để bảo vệ người bị bắt, người bị tình nghi, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật hình sự; đây là một nguyên tắc nền tảng mang giá trị chính trị, nhân đạo to lớn. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về nguyên tắc này cũng như các nguyên tắc tố tụng khác thông qua những bài viết của Phan Law Vietnam trên trang https://phan.vn hoặc trực tiếp trao đổi với chúng tôi theo các phương thức liên hệ dưới đây.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Liên hệ Văn phòng Luật Sư