Trên thị trường hiện nay, việc các đối thủ cạnh tranh làm nhái, làm giả các sản phẩm đang bán chạy trên thị trường thường xảy ra một cách thường xuyên, ngày càng tinh vi, phức tạp và xảy ra với số lượng lớn, đặc biệt đối với việc làm nhái các kiểu dáng công nghiệp. Vậy hành vi nào được coi là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp? Căn cứ nào xác định hành vi này? Hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu nhé.
Xem thêm:
Những điều cần biết về quyền sở hữu công nghiệp
Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
Đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là gì?
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp ngày càng phổ biến và xảy ra trên tất cả đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp gồm có:
Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
Theo quy định tại Điều 126 Luật sở hữu trí tuệ, các hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
- Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Một số hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu như: Sử dụng dấu hiệu trùng/ tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;…
Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh
Một số hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh có thể kể đến như tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó; Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh;….
Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại
Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý
Một số hành vi được xem là xâm phạm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như: Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó;….
Các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ xem xét hành vi xâm phạm
Các hành vi trên chỉ bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau theo quy định tại Điều 5 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cụ thể:
- Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam. Nếu hành vi xâm phạm không xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh và không được coi là hành vi xâm phạm.
- Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh, xác lập quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Đối với các quyền đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ và các tài liệu kèm theo giấy chứng nhận đăng ký, văn bằng bảo hộ đó.
- Đối với bí mật kinh doanh, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu thể hiện nội dung, bản chất của bí mật kinh doanh và thuyết minh, mô tả về biện pháp bảo mật tương ứng.
- Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thể hiện sự nổi tiếng của nhãn hiệu theo các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng.
- Đối với tên thương mại, đối tượng được bảo hộ được xác định trên cơ sở quá trình sử dụng, lĩnh vực và lãnh thổ sử dụng tên thương mại đó.
Trên đây là những thông tin về vi phạm quyền sở hữu công nghiệp mà chúng tôi muốn cung cấp đến quý khách hàng. Mong rằng với những thông tin này quý khách hàng có được hình dung khái quát về vấn đề này. Mỗi chúng ta cần ý thức tốt việc vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, không thực hiện các hành vi xâm phạm cũng như biết cách bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Để được tư vấn/ thực hiện đăng ký quyền sở hữu công nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả, quý khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Tổng Đài Tư Vấn Hôn Nhân Gia Đình: 1900.599.995