Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu công nghiệp là cơ chế bảo hộ cho các đối tượng bao gồm: nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,… Tuy nhiên quyền này chỉ có thể được phát sinh thông qua cơ chế xác lập tương ứng với từng loại đối tượng. Điều đó dẫn đến việc không phải ai cũng có thể trực tiếp tiến hành công đoạn này mà thay vào đó cần có sự hỗ trợ của các dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Hiện nay dịch vụ này đã được pháp luật Việt Nam ghi nhận là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện và yêu cầu có chứng chỉ hành nghề khi đăng ký kinh doanh.
Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
Xem thêm:
Tìm hiểu về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
02 cách đăng ký nhãn hiệu quốc tế hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất
Tìm hiểu về ba đối tượng sở hữu công nghiệp phổ biến hiện nay
Thế nào là dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp?
Điều 151 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 có định nghĩa chung về loại hình dịch vụ này. Theo đó dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bao gồm:
– Đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
– Tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
– Các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục xác lập và thực thi quyền sở hữu công nghiệp.
Cơ chế đại diện này có thể là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và cá nhân hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp trong tổ chức đó.
Phạm vi quyền của đại diện sở hữu công nghiệp
Vì chỉ mang tính chất là đại diện nên nhóm chủ thể này sẽ có những quyền trong một phạm vi giới hạn nhất định. Theo quy định tại Điều 152 Luật này thì tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được thực hiện các dịch vụ trong phạm vi được ủy quyền và được phép ủy quyền lại cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác. Lưu ý việc uỷ quyền đó chỉ được thực hiện nếu được sự đồng ý bằng văn bản của người ủy quyền. Ngoài ra pháp luật còn cho phép, tổ chức này có quyền từ bỏ hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp nếu đã chuyển giao một cách hợp pháp công việc đại diện chưa hoàn tất cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khác.
Mặc dù có thể thực hiện các hoạt động theo uỷ quyền nhưng không phải bất kỳ hoạt động nào cũng được cho phép. Những loại hoạt động mà đại diện sở hữu công nghiệp không được thực hiện bao gồm:
– Đồng thời đại diện cho các bên tranh chấp với nhau về quyền sở hữu công nghiệp;
– Rút đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ, tuyên bố từ bỏ sự bảo hộ, rút đơn khiếu nại về việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp nếu không được bên ủy quyền đại diện cho phép;
– Lừa dối hoặc ép buộc khách hàng trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Điều kiện đối với đại diện sở hữu công nghiệp
Để kinh doanh hoặc hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thì tổ chức đó phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Tổ chức kinh doanh và tổ chức hành nghề sẽ có những yêu cầu riêng biệt và để chính thức hoạt động hợp pháp thì buộc phải tuân theo.
Kinh doanh dịch vụ đại diện
Điều 154 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 quy định tổ chức đáp ứng các điều kiện sau đây được kinh doanh với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện:
– Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
– Có chức năng hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh);
– Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 155 của Luật này.
Hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp
Để một cá nhân có thể hành nghề ở lĩnh vực này thì cá nhân đó phải:
– Có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
– Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.
Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề thì điều kiện mà cá nhân đó cần đáp ứng là:
– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Thường trú tại Việt Nam;
– Có bằng tốt nghiệp đại học;
– Đã trực tiếp làm công tác pháp luật về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về sở hữu công nghiệp liên tục từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
– Không phải là công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp;
– Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
Trên đây là tư vấn của Phan Law Vietnam về các quy định của pháp luuật về dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Nếu cần thông tin thêm, bạn hãy liên hệ theo các cách thức dưới đây để được hỗ trợ.
PHAN LAW VIETNAM
Hotline: 0794.80.8888 – Email: info@phan.vn
Tổng Đài Tư Vấn Hôn Nhân Gia Đình: 1900.599.995